Một trong những chiến thuật được các bạn anti vaccine dùng nhiều nhất là đánh vào cảm xúc bằng những câu chuyện. Họ kể những trường hợp tai biến mà họ cho rằng do vaccine gây ra nhằm khơi gợi sự thương cảm và từ đó che mờ đi lý trí của người đọc để họ không phân định nổi đúng sai.
- Tác dụng trên HbA1c của semaglutide dạng uống so với sitagliptin ở trong hỗ trợ điều trị bệnh nhân người lớn đái tháo đường type 2 không kiểm soát được bằng metformin đơn độc có hoặc không kèm theo sulfonylurea
- ANSM: đánh giá lại dữ liệu an toàn của dụng cụ tử cung có chứa levonorgestrel Mirena và Jaydess
- Cao khô bạch dương điều trị Ly thượng bì bọng nước
- Tổn thương gan liên quan đến ACTEMRA® (tocilizumab)
- Top 10 sản phẩm cốm lợi sữa cho mẹ sau sinh được tin dùng hiện nay
Tôi rất thích viết. Trước khi viết về vaccine, tôi cũng thường hay viết về những câu chuyện kể. Những câu chuyện, những mẫu suy nghĩ bâng quơ, những dòng cảm xúc tản mạn trong những tháng ngày bôn ba lặn lội nơi xứ người. Nhưng đó là những câu chuyện kể của cuộc đời tôi, những cảm xúc của tôi, là những thứ tôi biết chắc rằng chúng có thật. Và tôi cũng chỉ share với bạn bè mình, là những người tôi biết chắc họ tin rằng chúng có thật mà không đòi hỏi tôi phải chứng minh điều gì cả.
Bạn đang xem: Thảm họa Anti Vaccine
Nhưng khi bắt đầu viết về vaccine, tôi chuyển sang cách viết khác. Tôi chỉ dùng những con số, những sự kiện lịch sử có thật, những nghiên cứu khoa học. Đó là những thứ đã được cộng đồng khoa học cùng các chuyên gia trên thế giới chứng minh rằng chúng có thật giúp tôi rồi. Khi viết cho cộng đồng đọc, tôi không thể đòi hỏi họ phải tin những câu chuyện của tôi chỉ vì tôi khẳng định rằng nó đúng được.
Thời gian qua, khi theo dõi những hoạt động của những người antivax, đặc biệt là Kiên Trần, một nhân vật nổi bật trong cộng đồng này, tôi cảm thấy tởm lợm.
Anh ta gọi cháu xưng chú rất kẻ cả bề trên với tất cả những người nói trái ý mình nhưng lại xun xoe dạ dạ vâng vâng, anh anh chị chị với những người nhìn hình avatar cũng chỉ đáng tuổi con cháu anh ta.
Anh ta viết những bức thư với lời lẽ giả tạo đến mức buồn nôn với một cái nick ảo trên mạng mang tên Trần Phong mà nhìn hình avatar thì cũng chỉ đáng tuổi con cháu anh ta là cùng để tạo cảm giác cho người đọc rằng có hai đấng trượng phu đang nhận tri kỷ với nhau.
Nhưng anh ta chụp lại màn hình trang profile của những người bất đồng chính kiến, trong đó có cả những hình ảnh riêng tư bao gồm vợ con của họ, rồi đăng lên mạng để tạo cảm giác trấn áp, đe dọa. Đó là thái độ của một kẻ côn đồ, du thủ du thực thứ thiệt.
Một con người với cái thái độ cư xử như vậy cũng đủ để người ta coi thường và không tin tưởng rồi chứ đừng có nói đến cái đống rác mang tên 17 bài viết về vaccine mà anh ta xả ra trên mạng.
Nối gót anh ta, trang Thông Tin Vaccine kêu réo tên họ những người bất đồng chính kiến với họ bằng những lời lẽ hết sức côn đồ và mất dạy.
Cũng chính trang Thông Tin Vaccine này chế bài, chế tên bác sĩ Trương Hữu Khanh một cách hết sức vô học. Thậm chí, có một lần tôi thấy họ gọi đích danh tên ông ra để khiêu khích.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh là một người thầy, một đàn anh mà tôi hết sức kính trọng. Ông là trưởng khoa Nhiễm Nhi Bệnh Viện Nhi Đồng I, Tp. HCM. Những kinh nghiệm và kiến thức mà ông có về bệnh nhiễm nhi, những đứa trẻ mà ông đã gặp và đã cứu nhiều hơn tất cả những gì đám côn đồ ấy cộng lại. Và điều làm tôi kính trọng ông hơn cả là ông bỏ luôn không làm phòng khám để điều hành trang Hỏi Bác Sĩ Nhi Đồng trên FB [Link: https://www.facebook.com/Hoibsnhidong/] Những bạn nào cần tìm hiểu thông tin chuyên môn thì nên tham khảo trang của ông. Ở cái thời buổi này, việc làm của ông khiến bất cứ ai cũng phải nể trọng.
Bạn hãy thử vào trang Thông Tin Vaccine xem bọn vô học ấy nói gì về ông.
Nhưng chúng vẫn có người theo dõi, vẫn có người tin.
Hôm nay tôi đổi cách viết. Quay lại văn phong thường ngày, trước khi viết về vaccine của mình, một bữa. Bắt chước các bạn antivax, hôm nay tôi sẽ kể chuyện để các bạn hiểu vì sao tôi viết. Đây là những câu chuyện lãng đãng trong ký ức được lấy từ hơn 10 năm duyên nợ của tôi với ngành Y trước khi tôi cởi bỏ cái áo blouse trắng để lại Việt Nam và lên đường sang Mỹ cách đây cũng tròm trèm 7, 8 năm trời.
CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT
Cách đây hơn 15 năm, lúc còn là một cậu sinh viên Y mới tinh tươm chưa vướng bụi trần ai, tôi có dịp đi thực tập ở bệnh viện Nhiệt Đới Tp.HCM. Thường thì khi đi thực tập bệnh viện quá nhiều, nhất là vào những khu chăm sóc đặc biệt, bạn sẽ thấy hình ảnh những bệnh nhân thở máy, hôn mê rất quen thuộc, không có gì đặc biệt. Nhưng có một bệnh nhân thu hút sự chú ý của tôi.
Em đẹp. Rất đẹp. Nếu đứng thẳng có lẽ tôi cũng không cao hơn em là mấy. Khuôn mặt trái xoan thanh thoát với hàng lông mi rậm. Mái tóc dài mà khi bình thường có lẽ là sẽ được xõa ngang lưng. Và da em trắng ngần.
Nhưng em nằm đó, bất động, vô tri, vô giác, với đủ thứ dây nhợ cắm quanh người và chiếc mặt nạ của máy thở phủ gần kín khuôn mặt.
Tôi tò mò lục hồ sơ bệnh án của em ra xem thì biết được rằng em chỉ nhỏ hơn tôi có 1, 2 tuổi. Và chẩn đoán của em là “Viêm não màng não”.
Cứ mỗi lần đi ngang qua giường em nằm là tôi lại thấy tim mình nhói lên một cái. Bao nhiêu câu hỏi hiện ra trong đầu của cậu sinh viên chưa kịp hiểu đời. Tại sao vậy? Em còn cả một tương lai phía trước mà. Hôm nay, mình đi trực về, mình sẽ được ăn cơm mẹ nấu, được đi lang thang phố phường với đám bạn, được hẹn hò với người yêu, được xem phim, nghe nhạc, đọc sách, được ngủ trong chăn êm nệm ấm. Và hơn hết tất cả, một tương lai, một cuộc đời phía trước đang chờ mình khám phá. Tại sao em lại nằm đó? TẠI SAO VẬY? Bốn chữ “viêm não màng não” đơn giản trong bệnh án đó lại có quyền lực ghê gớm đến mức trở thành bản án tử cho em sao? Có những lúc tôi không dám nhìn thẳng vào nơi em nằm.
Rồi trong một đêm trực nọ. Trong lúc đang lục hồ sơ bệnh án để chuẩn bị ngày mai trình, tôi nghe tiếng chạy rầm rập của các anh chị trong tour trực ở bên ngoài. Tò mò bước ra, tôi nhìn thấy tất cả mọi người đang tập trung quanh giường em, ai cũng hối hả khẩn trương. Người ta thay nhau xoa bóp tim ngoài lồng ngực, làm hô hấp nhân tạo cho em. Kẻ chạy đi tìm máy sốc tim. Thấy tôi đứng xớ rớ bên ngoài, các anh chị vẫy vào hỏi biết làm không rồi cho tôi vào thay thế.
Chưa bao giờ tôi thấy mình làm việc gì nhiệt thành đến thế. Tôi dùng hết sức mình để nhấn theo hiệu lệnh của các anh chị. Nhấn. Nhấn. Nhấn.
Phòng cấp cứu mở máy lạnh tối đa mà tôi thấy mồ hôi mình chảy ra như tắm. Tôi vừa nhấn vừa cầu nguyện. Chưa bao giờ tôi cầu nguyện. Nhưng đó là lần duy nhất tôi thấy mình cầu nguyện. Tôi cầu Chúa, Phật, và tất cả những thế lực vô hình nếu có chỉ duy nhất một điều thôi: làm sao cho em sống lại.
Xem thêm : 7 Thuốc xịt họng giảm ho cho bé được phụ huynh tin dùng
Nhưng tôi không nhìn thấy Chúa, cũng chẳng thấy Phật. Tôi chỉ thấy có mỗi Thần Chết đang đứng ở bên kia giường khoanh tay nhếch mép cười khinh bỉ. Lão cười trước sự tuyệt vọng và cay đắng của tên đệ tử mới học việc của Hippocrates lần đầu tiên nếm được quyền năng của lão.
Khi buông em ra, tôi thấy tay chân mình rã rời còn đầu óc chẳng muốn nghĩ gì nữa. Cả ngày sau đó, cả tuần sau đó điều duy nhất tôi nghĩ đến là em.
Đó là lần đầu tiên tôi hiểu được quyền năng khủng khiếp của thần chết. Đó là lần đầu tiên tôi thấy được thân phận con người bé nhỏ như thế nào. Đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự tuyệt vọng khi thấy một sự sống trôi tuột khỏi tay mình không cách nào níu giữ được.
Bởi vậy bạn đừng hỏi vì sao tôi lại cứ cắm cúi viết cho đến tận bây giờ. Một trong những biến chứng của sởi là viêm não màng não. Khi tôi nhìn thấy những bài viết rác rưởi của Kiên Trần có đến hơn 5 nghìn lượt share hồi năm ngoái, tôi nhẩm tính nếu như 5 nghìn lượt người share này là 5 nghìn người sẽ không tiêm phòng cho con mình rồi mỗi người sẽ tác động thêm 1 người nữa thôi thì ta sẽ có hơn 10 nghìn đứa trẻ không được tiêm phòng. Biến chứng của sởi tuy hiếm nhưng số người bị nhiễm tăng thì khả năng bị biến chứng cũng tăng theo.
Kiên Trần nói khi anh ta nhìn thấy danh sách những tai biến do vaccine gây ra, anh ta phải chửi thề “ĐM” trong đêm. Vậy thì tôi phải cần bao nhiêu tiếng chửi thề “ĐM” đây thì mới đủ diễn tả cảm xúc của mình khi nhìn thấy số lượt share bài viết của anh ta như vậy và nhớ về em.
Cũng trong đợt thực tập đó, tôi được vào khoa Uốn Ván của BV. Nhiệt Đới. Bạn không tưởng tượng nổi những gì tôi nhìn thấy đâu. Tôi chỉ có thể dùng 2 từ duy nhất để mô tả nó: “ĐỊA NGỤC”. Những thân thể cứng đờ như khúc gỗ theo nghĩa đen, bất động, mê man, nằm thở máy. Những khuôn mặt biến dạng, rúm ró đau khổ. Tôi tự hỏi, những con người này đã làm gì để phải chịu một lời nguyền khủng khiếp như vậy. Chỉ là một vết thương thôi mà. Chỉ là một mũi tiêm uốn ván thôi mà. Bạn có biết rằng đợt thực tập đó có tác động đến tôi ghê gớm đến mức đến vài tháng sau đó chỉ cần một vết thương nhỏ thôi cũng đủ làm tôi ăn không ngon ngủ không yên. Các bạn đã từng học y có thể có những cảm xúc tương tự.
Nhớ lại những cảnh tượng đó và đọc thấy những dòng comment của những người antivax khuyên người ta không nên đi tiêm uốn ván trong FB Kiên Trần tôi giận đến sôi người. Tôi cần bao nhiêu tiếng chửi thề “ĐM” mới đủ đây, hả Kiên?
CÂU CHUYỆN THỨ HAI
Cũng trong thời sinh viên, tôi còn nhớ trong một đêm tôi trực cấp cứu Nhi. Nửa đêm, xe cấp cứu chuyển đến một em bé gái 11 tuổi bị phỏng. Trước đó, mọi người đã biết em bị phỏng nửa người cả tuần lễ rồi. Nhưng khi em được khiêng từ băng ca vào đến phòng cấp cứu thì mới thật sự kinh hoàng.Em được bọc mấy lớp vải và chăn. Tháo hết vải ra thì một mùi hôi thối nồng nặc bốc lên khắp phòng. Các bạn tưởng tượng mùi chuột chết và mèo chết nó ra sao rồi nhân lên gấp 10 lần thì sẽ biết. Bên trong mấy lớp vải đó em được bọc tiếp bằng mấy lớp lá chuối và đủ loại lá cây gì đó. Kèm với lớp lá chuối là đủ thứ bột xanh xanh vàng vàng gì đó rắc lên khắp người. Toàn bộ thân thể em là một khối thịt, máu, và mỡ thối rữa, đen kịt, bầy nhầy.
Anh bác sĩ trưởng tua trực cũng là anh bác sĩ hướng dẫn chúng tôi thực tập đợt đó. Bình thường anh là một con người rất điềm tĩnh. Chưa bao giờ tôi thấy anh nổi giận đến mức đó. Anh gằn giọng hỏi người nhà tại sao không đưa đi bệnh viện sớm, quấn lá chuối làm gì. Người nhà trả lời là lúc bị bỏng thì đưa bé đến ông thầy lang gần nhà chữa. Ổng quấn lá chuối rồi rắc bột gì đó lên người rồi bảo về nhà đi. Họ giữ em ở nhà cả tuần lễ rồi mới đưa đến trạm xá để cấp cứu và được chuyển thẳng lên Nhi Đồng I.
Em nằm viện đến khoảng tờ mờ sáng hôm sau thì qua đời.
Cả ngày hôm đó tôi không ăn được gì.
Cả tuần sau đó không có gì làm tôi thấy ngon miệng được.
Cái khối bầy nhầy mang hình dáng một đứa bé gái 11 tuổi đó, cái mùi thối rữa đó đi vào trong giấc mơ của tôi cả năm trời sau đó.
Khi nhớ đến em, tôi phải cần bao nhiêu tiếng chửi thề “ĐM” nữa thì mới đủ để diễn tả cảm xúc khi thấy bọn lang băm bây giờ đang dọn nhà lên mạng để tiếp tục tuyên truyền những thứ bậy bạ hại người đây hả Kiên?
CÂU CHUYỆN THỨ BA
Hồi đó, lúc mới ra trường, còn hết sức vô tư, chưa nghĩ gì nhiều đến chuyện tương lai gia đình, vợ con nên cuối tuần tôi hay đi theo các đoàn khám bệnh thiện nguyện về những vùng sâu vùng xa. Đó là một cách đi du lịch của tôi. Tôi không thích ở khách sạn, không thích ăn những món ngon, đắt tiền ở những nhà hàng sang chảnh để selfie. Tôi cũng không thích đến những địa điểm nổi tiếng được dân du lịch truyền tai nhau.
Tôi thích đến những vùng quê hẻo lánh, nơi mà muốn đi đến phải băng qua mấy cây cầu khỉ, vượt vài đám ruộng, lội trên mấy con đường bùn sình đất đỏ để xem người dân ở đó sống thế nào. Tôi thích trải chiếu nằm dưới mái đình để nghe mấy câu vọng cổ cây nhà lá vườn mà bà con tự tổ chức để cám ơn đoàn thiện nguyện. Tôi thích ngủ dưới chân tượng Phật trong chùa thoang thoảng mùi nhang trầm để thấy lòng mình tĩnh lại sau khi ăn tô bún măng chay do sư thầy nhờ bà con phật tử gom lại nấu cho đoàn ăn lót dạ. Tôi thích sáng ngủ dậy được ăn sáng bằng quả trứng opla và một phần ba ổ bánh mì nóng giòn do Đức Cha hơn 80 tuổi dậy từ rất sớm băng ruộng đi mua cho đoàn bác sĩ toàn thanh niên trai tráng nên thích ngủ nướng. Tất cả những điều đó không tiền bạc nào mua được.
Nhưng cũng có những thứ tôi nhận được cũng không có tiền bạc nào mua được.
Hồi đó, bác sĩ siêu âm rất hot trong các đoàn từ thiện. Lý do là vì khám, chẩn bệnh, và kê toa thông thường thì ai cũng biết nhưng không phải ai cũng biết siêu âm. Và những người vừa biết siêu âm vừa rảnh rỗi nên thích ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng như tôi cũng không nhiều. Bởi vậy cho nên đoàn thiện nguyện nào sắm được cái máy siêu âm xách tay là lại nhớ đến tôi. Nhiệm vụ chính của tôi là siêu âm để phát hiện và tầm soát bệnh.
Có môt lần, trong một đợt khám một bà cụ được các bác sĩ gửi đến bàn siêu âm của tôi. Toàn thân và mắt bà có cái màu vàng đặc trưng đến mức nhìn từ xa cũng thấy. Tôi học về vàng da cũng nhiều, thấy bệnh nhân vàng da không phải là ít. Nhưng chưa bao giờ thấy một người da vàng tới mức đó. Khi bà vén áo lên, chưa cần đặt đầu dò tôi đã thấy một khối rất lớn ở hạ sườn phải đẩy thành bụng nhô lên phía trên rồi. Tôi đặt đầu dò chỉ để nhìn thấy cái mà mình đã biết trước đó. Những khối u ngồn ngộn, loang lổ ở gan. Và kinh hoàng hơn nữa, hạch ổ bụng xếp đầy và đều như cúc áo. Bây giờ nhớ lại cũng đủ làm tôi nổi hết cả da gà.
Thật ra bệnh nặng thì nặng thật nhưng không đến nỗi lạ lùng làm tôi bất ngờ đến như vậy. Vì hồi trước đi thực tập ở Ung Bướu lâu lâu cũng gặp một vài ca tương tự rồi.
Nhưng điều làm tôi kinh hoàng là câu hỏi của bà sau khi chùi sạch gel dính trên bụng và kéo áo xuống.
Bà cười móm mém và hiền lành hỏi: “Bác sĩ ơi, tui bị vậy uống thuốc nam được không?”
Xem thêm : Hội chứng người đỏ do Vancomycin
Phải mất vài giây tự kiềm chế bản thân tôi mới hỏi lại được: “Bà định uống thuốc nam ở đâu?”
Bà trả lời: “Có cái ông thầy lang gần nhà, từ hồi tui bị nặng bụng vầy tui hay qua mua thuốc của ổng uống lắm. Mà uống hoài không hết nên bữa nay thấy có đoàn tới tui đi khám thử coi sao.”
Lúc đó, tôi nghe bao nhiêu tiếng gào thét bên trong đầu mình. Trời ơi. Tại sao vậy? Lời nguyền nào khủng khiếp đã đè lên những con người này vậy? Họ có tội tình gì vậy? Kiếp trước họ đã phạm phải tội gì vậy?
Khi nhớ đến bà và nhìn thấy mụ Nguyen Binh tay bán thực dưỡng chữa ung thư còn mồm ra rả chửi bác sĩ ngu dốt và khuyên người khác không nên đến bệnh viện thì tôi phải dùng bao nhiêu tiếng “ĐM” thì mới đủ đây, hả Kiên?
Bởi vậy đừng ai nói với tôi rằng cần phải có sự tự do ngôn luận cho các bạn antivax, cần phải có thông tin nhiều chiều cho những thứ lang băm này, cần để cho người đọc biết được nhiều phía để có sự lựa chọn. Đây không phải là tự do ngôn luận, là thông tin đa chiều, hay cung cấp sự lựa chọn cho người đọc. Mà đây là tội ác, là giết người. Cho dù là cố ý hay vô tình vì sự ngu dốt thì nó vẫn là tội ác. Nên đừng ai vào đây comment, tranh luận với tôi những lời ngụy biện nhảm nhí đó. Các bạn antivax bị FB dẹp bớt? Càng tốt. Các bạn muốn chuyển qua Minds? Tôi hy vọng một ngày nào đó Minds sẽ dẹp luôn các bạn vì sự trong sạch cho cộng đồng của họ. Đừng mong tìm thấy một sự thông cảm nào cho các bạn từ tôi.
Kiên Trần có một câu hay dùng đi dùng lại. Anh ta nói rằng các bác sĩ nhỏ tuổi hơn anh ta không đủ tư cách nói chuyện với anh ta vì còn thiếu nhiều thứ lắm.
Tôi không rõ là anh ta muốn nói đến thiếu thứ gì?
Thiếu sự ngu xuẩn khi dám coi thường quyền năng của thần chết để không tìm cách chạy cho xa mà ngược lại xúi người khác ngồi vào bàn đánh cược ăn thua đủ với cái chết hay sao?
Thiếu sự lưu manh khi dịch bài chỉ dịch phân nửa, đưa ra bằng chứng cũng chỉ là những bằng chứng phân nửa để đánh lừa người đọc chăng?
Thiếu sự kiêu ngạo đến mức dốt nát khi chưa có một ngày nào phải đối diện và chịu trách nhiệm trực tiếp với cái chết của người khác, với những thứ bệnh tật kinh hoàng, chứng kiến trực tiếp cảnh địa ngục trần gian trong bệnh viện mà dám múa phím cãi tay đôi với bác sĩ chỉ dựa vào một số cuốn sách chạy theo thuyết âm mưu của anh ta chăng?
Thiếu sự khoác lác khi tự nhận mình biết nhiều về vaccine hơn bất kỳ bác sĩ nào ở VN nhưng lại nghĩ rằng từ adverse event được dịch sang tiếng Việt là sốc phản vệ nhưng không hề biết thực chất sốc phản vệ tiếng Anh là “anaphylactic shock” chăng?
Thiếu sự ba hoa khi tự nhận mình làm data scientist đã từng làm việc với nguồn data mà 100% dân data science Việt Nam chưa từng đụng tới nhưng lại so sánh biến chứng của vaccine với việc tung xúc xắc với xác xuất mỗi mặt là 16.6667% và hoàn toàn không hiểu tại sao người ta lại cần phải phân biệt sự khác nhau giữa correlation và causation chăng?
Những gì tôi biết còn ít lắm, những gì tôi hiểu còn thiếu lắm nếu so với bạn bè tôi, những người vẫn đang tiếp tục nặng nợ với ngành. Kiến thức của tôi vẫn còn nhỏ bé lắm so với những bậc đàn anh, đàn chị, các thầy cô mà tôi đã từng được học qua. Nhưng tôi cũng đủ nhìn thấy được hết sự lố lăng, kệch cỡm đến mức buồn nôn của anh ta rồi. Đừng nghĩ ở Việt Nam ai cũng khờ khờ khạo khạo như đám fan cuồng của anh mà lầm.
Tôi có cái may mắn là đã cởi bỏ cái áo blouse ra trước khi trái tim mình chai đá hết bởi những cảm xúc vì gặp quá nhiều những điều như các câu chuyện mà tôi đã kể trong bài này. Bởi vì không tập cho mình chai đá đi thì sẽ không thể nào tồn tại được với nghề. Những gì tôi viết là những cảm xúc còn sót lại của cậu sinh viên Y Khoa lần đầu hiểu ý nghĩa của những cuộc sinh tử, của gã bác sĩ mới ra trường lần đầu nhận ra thực tế phũ phàng của cuộc sống.
Vì tất cả những điều đó mà tôi cặm cụi viết cho đến bây giờ.
Nguồn: ÔNG CHÚ SÌN SÚ
Chuyên mục: Y tế, sức khỏe
Nguồn: https://ongchusinsu.com
Danh mục: Y tế, Sức khỏe