Các loại thuốc dị ứng hiệu quả, thông dụng hiện nay

Các loại thuốc dị ứng hiệu quả, thông dụng hiện nay

Dị ứng là tình trạng mà rất nhiều người có thể gặp phải với nguyên nhân và mức độ dị ứng rất đa dạng. Có người mắc dị ứng thời tiết, dị ứng rượu, dị ứng đồ ăn giàu đạm hay cũng có người dị ứng với thuốc điều trị. Đây là tình trạng bệnh gây khó chịu thậm chí có khả năng gây tử vong cho người gặp phải. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về một số thuốc dị ứng thông dụng và hiệu quả.

Tìm hiểu về phản ứng dị ứng

Dị ứng là gì? Nguyên nhân dị ứng do đâu?

Trước khi tìm hiểu về thuốc, chúng ta cần nắm được sơ qua về cơ chế gây ra tình trạng dị ứng. Từ đó, các thuốc chống dị ứng sẽ tác động vào một số những cơ chế gây dị ứng đó.

Dị ứng là một dạng quá mẫn, xảy ra khi hệ miễn dịch bị đáp ứng quá mức cần thiết. Dị ứng thuộc vào loại I trong 4 typ quá mẫn, là tình trạng xảy ra khi kháng thể IgE, tế bào Mast, bạch cầu ái kiềm bị kích hoạt một cách quá mức. Các triệu chứng của phản ứng dị ứng là do các chất trung gian của tế bào Mast gây ra:

  • Histamin: gây hoạt hóa tế bào Mast, làm giãn mạch, tăng tính thấm mạch và gây co cơ trơn phế quản, tiêu hóa, .. và gây ngứa.
  • Heparin: chống đông máu,
  • ECF: gây tập trung và hoạt hóa bạch cầu ái toan
  • PAF: gây tập trung và hoạt hóa tiểu cầu
  • Leucotrien C2, D2: gây phù da, niêm mạc, tiết nhày.

Nguyên nhân chủ yếu bao gồm di truyền, giới tính, chủng tộc, và độ tuổi, trong đó yếu tố di truyền được xem là nguyên nhân chủ yếu gây nên dị ứng. Ngoài ra, hiện nay còn có nhiều nguyên nhân gây dị ứng khác như: tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm trong thời thơ ấu, ô nhiễm môi trường, các loại chất gây dị ứng, và chế độ ăn uống thay đổi. Như các bạn có thể thấy, nguyên nhân dị ứng có rất nhiều và nguyên nhân chủ yếu đến từ chính yếu tố di truyền trong cơ thể con người vì vậy khó mà điều trị được nguyên nhân của dị ứng.

Thuốc dị ứngNguyên nhân gây dị ứng

Phương pháp điều trị dị ứng

Một số phương pháp điều trị tình trạng dị ứng là:

  • Cách ly với kháng nguyên hoặc dị nguyên gây dị ứng: Đây là phương pháp đơn giản nhất tuy nhiên với một số nguyên nhân, dị nguyên như phấn hoa hay yếu tố thời tiết thì phương pháp này không quá khả quan.
  • Liệu pháp dùng thuốc: Các thuốc đối kháng sẽ được sử dụng với mục đích “đánh” vào quá trình gây dị ứng, lợi dụng quá trình sinh học của cơ thể con người để điều trị.
  • Liệu pháp miễn dịch: Đây là liệu pháp đòi hỏi cần phải thực hiện dưới sự theo dõi y tế. Bệnh nhân được tiêm các chất gây dị ứng với liều tăng dần. Điều này có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng hoặc loại bỏ hoàn toàn quá mẫn. Liệu pháp này làm lệch tiến độ sản xuất kháng thể IgG, để ngăn chặn sản xuất quá mức IgE trong atopys.

Thuốc dị ứng có mấy loại?

Như đã biết, các thuốc chống dị ứng là các thuốc đối kháng với quá trình gây dị ứng, mỗi nhóm thuốc sẽ có một cơ chế tác dụng lên quá trình dị ứng khác nhau:

  • Thuốc kháng Histamin H1: Clorpheniramin, Alimemazin, Cetirizin, Loratadin, …
  • Glucocorticoid: Dexamethasone, Betamethasone, Methylprednisolone,…
  • Thuốc tác động lên hệ Adrenergic: Adrenalin.
  • Thuốc ổn định dưỡng bào: Natri Cromolyn.
  • Thuốc kháng Leukotriene: Montelukast.
  • Thuốc kháng kháng thể IgE: Omalizumab.

Thuốc kháng Histamin H1

Histamin phát huy tác dụng thông qua 3 receptor H1, H2, H3. Tác dụng gây khó chịu như gây đau gây ngứa, co cơ trơn phế quản của Histamin được phát huy thông qua receptor H1 là chủ yếu. Vì vậy mà để ngăn chặn tình trạng dị ứng, người ta sử dụng thuốc kháng Histamin H1.

Các thuốc kháng Histamin H1 đối kháng cạnh tranh với Histamin tại receptor H1 của tế bào đích, vì vậy nó ngăn được tác dụng gây đau gây ngứa, gây thấm mao mạch, co cơ trơn của Histamin.

Thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 1 Thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 2
Tác dụng Kháng Histamin, làm giảm các phản ứng dị ứng do Histamin gây ra.

Ức chế hệ thần kinh trung ương, an thần, gây buồn ngủ.

Kháng Cholinergic, chống buồn nôn.

Kháng Serotonin, một số chất đặc biệt gây kháng α-Adrenergic, gây tê (Promethazin)

Các thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 2 chỉ có tác dụng kháng Histamin đơn thuần.
Chỉ định Vì có nhiều tác dụng trên cả Histamin và hệ thần kinh, các thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 1 được sử dụng trong nhiều trường hợp:

Chống dị ứng do các nguyên nhân như viêm mũi dị ứng, nổi mề đay, ban da, viêm da dị ứng, viêm da tiếp xúc,…

Phối hợp điều trị ho, điều trị cảm cúm.

Chỉ định khác: Chống say tàu xe, máy bay. Chống nôn sau phẫu thuật, do dùng thuốc điều trị ung thư. Hội chứng Meniere. Tiền mê.

Chỉ định dùng của thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 2 là:

Các trường hợp dị ứng: Viêm mũi dị ứng, mày đay, mẩn ngứa, ho khan,..

Phối hợp điều trị cảm cúm.

Tác dụng không mong muốn Tác dụng phụ thường xảy ra ở các thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 1:

Buồn ngủ, ngủ gà,, chóng mặt, mệt mỏi,…

Ăn kém ngon, buồn nôn, nôn, tiêu chảy,..

Gây khô miệng, căng ngực, hồi hộp,..

Các tác dụng phụ thường xảy ra khi người dùng dùng quá liều so với quy định. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra là đau đầu, khô miệng, chóng mặt,… Nhưng nhìn chung, khả năng xuất hiện các tác dụng phụ ở nhóm này thấp hơn so với các thuốc thế hệ 1.
Hoạt chất Cinnarizin, Promethazin, Clorpheniramin, Alimemazin, Diphenhydramin,… Loratadine, Fexofenadine,…

Đa phần các thuốc chống dị ứng thông dụng hiện nay là các thuốc kháng Histamin thế hệ 2 do chỉ đơn thuần kháng Histamin, hạn chế được nhiều tác dụng không mong muốn hơn so với thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 1. Một số ít các thuốc thế hệ 1 còn được dùng để điều trị dị ứng như: Clorpheniramin, Alimemazin, Diphenhydramin,…

Thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 1

Diphenhydramin

Thuốc thuộc nhóm Ethanolamine, thường được sử dụng để điều trị dị ứng hoặc phối hợp dùng trong các thuốc điều trị cảm cúm. Diphenhydramin còn có tác dụng gây ngủ và kháng Muscarinic.

Chỉ định: Thuốc được chỉ định cho trường hợp dị ứng do mọi nguyên nhân, giảm triệu chứng của cơn hen phế quản mạn.

Liều dùng:

  • Người lớn: Uống 25 – 50 mg/lần, 3 – 4 lần/ngày. Nếu không dùng được đường uống, chuyển sang tiêm bắp hoặc tĩnh mạch liều 10 – 50 mg/lần mỗi 4 – 6 giờ nếu cần, có thể tới 100 mg/lần, liều tối đa 400 mg/ngày.
  • Trẻ em: Uống 12,5 – 25 mg/lần, 3 – 4 lần/ngày. Liều dùng có thể tính theo cân nặng 5 mg/kg/ngày, hoặc diện tích da cơ thể 150 mg/ m2/ngày, liều tối đa 300 mg/ngày. Nếu không dùng được đường uống, chuyển sang tiêm bắp hoặc tĩnh mạch liều 5 mg/kg/ngày hoặc 150 mg/m3/ngày chia 4 lần, liều tối đa 300 mg/ngày.

Chế phẩm:

Nautamine có chỉ định chống say tàu xe, nhưng vẫn có tác dụng chống dị ứng tương đối tốt, thuốc do Tập đoàn Sanofi sản xuất và có giá bán tại Việt Nam khoảng 320.000 đồng/ hộp 80 viên.

Đặt hàngĐặt hàng

 

 

 

 

Mypara Flu Nighttime là sự kết hợp giữa Diphenhydramin với Paracetamol, Phenylephrin hydroclorid để điều trị các triệu chứng cảm cúm. Thuốc được sản xuất bởi Công ty Cổ phần S.P.M và có giá 120.000 đồng / hợp 16 viên.

Thuốc dị ứngThuốc dị ứng chứa Diphenhydramin

Clorpheniramin

Clorpheniramin là thuốc kháng histamin thế hệ thứ nhất, thuốc cũng có tác dụng an thần (mức trung bình) nhưng cũng có thể kích thích nghịch thường (đặc biệt ở trẻ nhỏ), và kháng cholinergic. Thuốc được dùng chủ yếu để điều trị triệu chứng các bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng, mày đay, ngứa.

Chỉ định: Thuốc được sử dụng trong các trường hợp:

  • Điều trị triệu chứng dị ứng do thời tiết, phấn hoa, thuốc, thức ăn,…
  • Giảm ngứa do thủy đậu.
  • Điều trị phản vệ (điều trị bổ trợ).
Xem thêm:   Thuốc trị ho và cảnh báo tác dụng phụ có hại của một số thuốc trị ho

Liều dùng:

  • Trẻ em 1 – dưới 2 tuổi: 1 mg, 2 lần/ngày; Trẻ em 2 – dưới 6 tuổi: 1mg, cách 4 – 6 giờ/lần, tối đa 6 mg/ngày;
  • Trẻ em 6 – dưới 12 tuổi: 2mg, cách 4 – 6 giờ/lần, tối đa: 12 mg/ ngày. Viên nén giải phóng kéo dài: Uống viên 8mg, 1 lần/ngày lúc đi ngủ hoặc trong ngày.
  • Trẻ em 12 – dưới 18 tuổi: 4mg, cách 4 – 6 giờ/lần, tối đa 24 mg/ ngày. Viên nén giải phóng kéo dài: Uống viên 8mg, 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối, không dùng quá 24 mg/ngày.
  • Người lớn: 4mg, cách 4 – 6 giờ/lần. Tối đa 24mg/ngày (người cao tuổi tối đa 12 mg/ngày). Viên nén giải phóng kéo dài: Uống viên 8mg hoặc 12 mg, 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối, không dùng quá 24 mg/ngày.

Nếu dùng điều trị bổ trợ phản vệ, sử dụng đường tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da.

Chế phẩm: Hoạt chất này thường có trong các chế phẩm với liều Clorpheniramin 4mg.

  • Datrieuchung-New có giá 60.000 đồng / hộp 12 gói, có tác dụng giảm ho, giảm biểu hiện của cảm cúm. Thuốc được sản xuất bởi Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương 1 – Pharbaco.
  • Clorpheniramin 4mg Imexpharm của Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm có giá 50.000 đồng / lọ 200 viên.

Thuốc dị ứngThuốc dị ứng chứa Clorpheniramin

Alimemazin

Alimemazin là dẫn chất phenothiazin, có tác dụng kháng histamin H1, kháng serotonin mạnh và còn có tác dụng an thần, chống nôn.

Chỉ định: Thuốc được chỉ định cho các trường hợp dị ứng, mày đay mẩn ngứa. Thuốc cũng được dùng làm thuốc tiền mê trước phẫu thuật cho trẻ.

Liều dùng: Liều dùng của thuốc phụ thuộc vào độ tuổi người dùng và chỉ định:

  • Trẻ em 2 – 4 tuổi: 2,5 mg/lần, ngày 3 – 4 lần.
  • Trẻ em 5 – 11 tuổi: 5 mg/lần, ngày 3 – 4 lần.
  • Trẻ em ≥ 12 tuổi và người lớn: 10 mg/lần, 2 – 3 lần/ngày; có thể tăng tới 100 mg/ngày trong những trường hợp dai dẳng khó chữa.
  • Người cao tuổi nên giảm liều: 10 mg/lần, ngày dùng 1 – 2 lần.

Chế phẩm:

  • Theralene chứa Alimemazin của công ty Sanofi, thuốc có dạng viên nén và dạng siro uống, phù hợp dùng cho cả người lớn và trẻ em. Siro uống có giả khoảng 70.000 đông/ chai 90ml và Theralene dạng viên nén có giá khoảng 1000.000 đồng / hộp 40 viên.
  • Alimazin 5mg Imexpharm được sản xuất trong nước nên có giá thành rẻ hơn so với các thuốc nhập khẩu. Thuốc có giá bán khoảng 90.000 đồng / lọ 200 viên.

Thuốc dị ứngThuốc dị ứng chứa Alimemazine

Thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 2

Cetirizin

Cetirizin là dẫn chất của piperazin và là chất chuyển hóa của hydroxyzine. Cetirizin là thuốc kháng histamin thế hệ hai, thuốc có tác dụng đối kháng mạnh và chọn lọc ở thụ thể H1 ngoại vi, ít tác dụng lên các thụ thể khác nên ít tác dụng phụ hơn các thuốc thế hệ 1.

Chỉ định: Thuốc dùng để điều trị các vấn đề về dị ứng như: viêm mũi dị ứng quanh năm, viêm mũi dị ứng theo mùa, mày đay, mày đay mạn tính vô căn, viêm da dị ứng.

Liều dùng:

  • Người lớn và trẻ em ≥ 12 tuổi: Uống 10 mg/lần, 1 lần/ngày.
  • Trẻ em 6 – dưới 12 tuổi: Uống 5 mg/lần, 2 lần/ngày.
  • Trẻ em 2 – dưới 6 tuổi: Uống 2,5 mg/lần, 2 lần/ngày.
  • Trẻ em 12 tháng – dưới 2 tuổi: Uống 2,5 mg/lần/ngày, có thể tăng liều tối đa uống 2,5 mg cử trong 12 giờ.
  • Trẻ em 6 tháng – dưới 12 tháng: Uống 2,5 mg/lần/ngày.
  • Trẻ em < 6 tháng tuổi: Không sử dụng.

Chế phẩm:

  • Zyrtec là biệt dược chứa Cetirizin được Công ty GSK – Thụy Sĩ nghiên cứu và sản xuất. Thuốc có 2 dạng bào chế là dạng viên nén Zyrtec 10mg được bán với giá 80.000 đồng / hộp 10 viên và dạng siro Zyrtec 60ml có giá 115.000 đồng / chai 60ml.
  • Tại Việt Nam, có thể dễ dàng tìm được các thuốc generic chứa Cetirizin với giá thành rẻ hơn. Cetirizine EG 10mg do Công ty cổ phần Pymepharco – Việt Nam có giá 65.000 đồng / hộp 100 viên. Hoặc Mekozitex 10 của Công ty Cổ phần Hoá – Dược phẩm Mekophar có giá 50.000 đồng / hộp 150 viên.

Thuốc dị ứngThuốc dị ứng chứa Cetirizin

Loratadin

Loratadin là thuốc kháng Histamin 3 vòng có tác dụng kéo dài đối kháng chọn lọc trên thụ thể H1 ngoại biên và không có tác dụng trên thần kinh trung ương. Loratadine được dùng để điều trị hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt, nổi mề đay, phát ban trên da, viêm mũi dị ứng/dị ứng phấn hoa, ngứa và các triệu chứng cảm lạnh hoặc dị ứng khác.

Chỉ định

Liều dùng: Thuốc chỉ cần sử dụng 1 lần trong vòng 24 giờ.

  • Trẻ em trên 12 tuổi và người lớn dùng liều 10mg/ngày.
  • Trẻ em từ 2-12 tuổi tính liều theo cân nặng: trẻ nặng hơn 30kg, sử dụng liều 10mg/ngày; trẻ nhẹ hơn 30kg, sử dụng liều 5mg/ngày.

Lưu ý: Không dùng quá 10mg/ngày, có thể gây tình trạng khô miệng, chóng mặt, ngộ độc thuốc,…

Không sử dụng thuốc chung với Cimetidin, Ketoconazol, Erythromycin.

Biệt dược: Thuốc đặc trị viêm mũi dị ứng Erolin do Công ty Egis Pharmaceuticals Public Limited – Hungary sản xuất. Thuốc được bán trên thị trường với giá 105.000 đồng / hộp 30 viên nén và 80.000 đồng / lọ 120ml siro uống.

Đặt hàng

Chế phẩm Generic: Loratadine SPM 10mg (ODT) của Công ty Cổ phần S.P.M – Việt Nam có giá 135.000 đồng / hộp 30 viên.

Thuốc dị ứngThuốc dị ứng chứa Loratadin

Fexofenadine

Fexofenadine là thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 2 mới được phát triển gần đây. Thuốc có tác dụng chống dị ứng tương đương các thuốc kháng Histamin khác nhưng rất ít gây tác dụng phụ trên trung ương. Fexofenadine hấp thu nhanh, tác dụng kéo dài lên tới 24 giờ. Fexofenadine thể hiện tác dụng tốt đối với các tình trạng mày đay, mẩn ngứa, viêm mũi dị ứng, tiết dịch mũi.

Chỉ định: thuốc dùng cho tất cả các triệu chứng dị ứng do mọi lý do.

Liều dùng:

  • Viêm mũi dị ứng theo mùa:
    • Người lớn, trẻ >12 tuổi: 60-180mg/ngày.
    • Trẻ 2-12 tuổi: 30mg/ngày.
  • Mề đay mạn tính
    • Người lớn, trẻ >12 tuổi: 60-180mg/ngay.
    • Trẻ 2-12 tuổi: 30mg/ngày.
    • Trẻ 6 tháng-2 tuổi: 15mg/ngày.

Chế phẩm:

  • Thuốc chống dị ứng Telfast HD 180mg nổi tiếng trên thị trường được Công ty Sanofi sản xuất, thuốc có giá 90.000 đồng / hộp 10 viên. Hay Telfast BD 60mg với liều nhỏ hơn dành cho trẻ em có giá 55.000 đồng / hộp 10 viên.
  • Oralegic 10ml chứa 60 mg Fexofenadine của Công ty TNHH Novopharm có giá 150.000 đồng / hộp 10 ống.

Thuốc dị ứngThuốc dị ứng chứa Fexofenadine

Các Glucocorticoid

Các Glucocorticoid do vỏ thượng thận tiết ra có 3 tác dụng điển hình là: Chống viêm – Chống dị ứng – Ức chế miễn dịch. Cơ chế của tác dụng chống dị ứng là các Glucocorticoid sẽ ức chế phospholipase C (một enzyme xúc tác cho quá trình làm vỡ bạch cầu, giải phóng chất trung gian dị ứng như Histamin, Bradykinin,…). Khi đó, quá trình giải phóng chất trung gian dị ứng sẽ bị ngăn cản, phản ứng dị ứng không thể xảy ra. Nhìn vào cơ chế sẽ thấy các Glucocorticoid có thể mang lại tác dụng chống dị ứng mạnh hơn so với thuốc kháng Histamin H1 do chặn đứng giai đoạn phóng thích các chất trung gian gây dị ứng. Thế nên các thuốc Corticoid dễ bị lạm dụng và mang lại nhiều tác dụng phụ nguy hiểm đối với cơ thể:

  • Gây phù, gây tăng huyết áp.
  • Gây loét dạ dày tá tràng.
  • Làm chậm liền sẹo, khiến vết thương dễ nhiễm trùng.
  • Nhược cơ, teo cơ, loãng xương, xốp xương,..
  • Suy thượng thận nếu dừng thuốc đột ngột.

Vì vậy, khác với các thuốc kháng Histamin không cần kê đơn, các Corticoid đòi hỏi người bệnh cần có chỉ định, kê đơn của bác sĩ mới được sử dụng. Các Corticoid thường dùng trong điều trị dị ứng là các thuốc có tác dụng trung bình tới dài: Methylprednisolone, Dexamethasone, Betamethasone,…

Corticoid tác dụng toàn thân

Methylprednisolone

Methylprednisolone được sử dụng để điều trị nhiều tình trạng viêm khác nhau như viêm khớp, dùng trong các bệnh liên quan đến phản ứng dị ứng – miễn dịch như: lupus ban đỏ, vẩy nến, dị ứng do mọi nguyên nhân, cơn co thắt khí phế quản do hen, dị ứng thời tiết gây ra.

Chỉ định: Thuốc được sử dụng để điều trị một số bệnh nội tiết, thấp khớp, bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, dị ứng thời tiết, nổi mề đay, ngứa,…

Liều dùng:

Dị ứng: ngày đầu 24mg, sau đó giảm 4mg mỗi ngày.

Trong trường hợp sốc phản vệ đe dọa tính mạng, có thể dùng Methylprednisolon đường tiêm tĩnh mạch hoặc truyền chậm: dùng liều ban đầu là 30mg/kg, lặp lại sau 4-6 giờ hoặc tiêm tĩnh mạch trực tiếp trong 3-15 phút.

Biệt dược: Medrol có hàm lượng 4mg và 16mg được sản xuất bởi Công ty Pfizer – Mỹ, có giá 70.000 đồng / hộp 30 viên hàm lượng 4mg và 160.000 đồng / hộp 30 viên hàm lượng 16mg.

Đặt hàng

Đặt hàng

Ngoài ra, Pfizer còn đưa ra thị trường chế phẩm dùng đường tiêm với tên Solu-Medrol. Đây là các thuốc kinh điển với các bác sĩ trong xử trí các phản ứng nghiêm trọng hay sốc phản vệ.

Đặt hàng

Thuốc dị ứngThuốc dị ứng chứa Methylprednisolon

Dexamethasone

Dexamethason là một glucocorticoid tổng hợp, hầu như không có tác dụng giữ muối nước. Các glucocorticoid tác dụng thông qua gắn kết với thụ thể ở tế bào chất, chuyển vị vào nhân tế bào và điều hòa lên một số gen chức năng. Các thuốc này cũng còn có một số tác dụng trực tiếp, có thể không qua trung gian gắn kết với thụ thể. Dexamethason có các tác dụng chính của glucocorticoid là chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch, hầu như không ảnh hưởng đến cân bằng điện giải.

Xem thêm:   Thông tin (information) & tri thức (knowledge).

Chỉ định: Thuốc được chỉ định cho các trường hợp dị ứng nghiêm trọng, không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với các điều trị thông thường khác: hen phế quản, viêm da dị ứng, viêm da tiếp xúc, dị ứng thuốc, viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc quanh năm, bệnh huyết thanh…

Liều dùng: Nên ưu tiên sử dụng đường uống, chỉ dùng đường tiêm trong trường hợp bất khả kháng. Liều thường dùng theo đường uống ở người lớn là 0,5 – 10 mg dexamethason/ngày, ở trẻ em là 10 – 100 microgam dexamethason/ ngày.Khi dùng đường tiêm, thuốc có thể được tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch chậm, truyền tĩnh mạch ngắt quãng hoặc liên tục.

Chế phẩm: Các chế phẩm chứa Dexamethason tương đối dễ tìm mua với giá rẻ trên thị trường, các chế phẩm cũng đa dạng bào chế từ viên nén, dung dịch dùng đường uống cho tới dung dịch dùng đường tiêm và các thuốc dùng ngoài da.

Dehatacil 0,5mg có giá 125.000 đồng / hộp 600 viên nén dùng đường uống chứa 0,5mg Dexamethason do công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây sản xuất. Dexamethasone 4mg/Ml Vinphaco có giá 35.000 đồng / hộp 10 ống dung dịch tiêm được sản xuất tại Việt Nam.

Thuốc dị ứngThuốc dị ứng chứa Dexamethasone

Betamethasone

Betamethason là một corticosteroid tổng hợp, có tác dụng glucocorticoid rất mạnh, kèm theo tác dụng chuyển hóa muối nước không đáng kể. Betamethason có tác dụng chống viêm, chống thấp khớp, chống dị ứng, liều cao có tác dụng ức chế miễn dịch.

Thuốc dùng đường uống, tiêm bắp, tiêm hoặc truyền tĩnh mạch, tiêm hoặc bôi tại chỗ để trị nhiều bệnh cần chỉ định dùng corticosteroid.

Chỉ định: Thuốc được sử dụng trong các trạng thái dị ứng: Hen phế quản, viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc quanh năm, viêm da dị ứng, viêm da tiếp xúc, phản ứng quá mẫn với thuốc, bệnh huyết thanh, phản ứng truyền máu.

Liều dùng: Liều thường dùng theo đường uống ở người lớn là 0,5 – 5 mg mỗi ngày.

Ngoài đường uống, thuốc có thể được tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch chậm, truyền tĩnh mạch với liều thường dùng ở người lớn và trẻ em ≥ 12 tuổi là 4 – 20 mg/lần, có thể lặp 3 – 4 lần/ngày nếu cần thiết (tùy theo tình trạng bệnh và đáp ứng điều trị).

Chế phẩm: Betamethasone có nhiều dạng bào chế và đường dùng khác nhau. Albaflo 4mg/2ml dùng đường tiêm có giá 450.000 đồng / hộp 3 ống, thuốc được sản xuất bởi Esseti Farmaceitici S.r.l – Ý.

Đặt hàng

Việt Nam đã có thể sản xuất chế phẩm dùng đường uống từ lâu với giá thành rẻ hơn thuốc nhập khẩu mà tác dụng vẫn tương đương: Tanacelest (Lọ 500 viên) có giá 80.000 đồng / lọ 500 viên hay Cestasin có giá 95.000 đồng / hộp 500 viên.

Đặt hàng

Thuốc dị ứngThuốc dị ứng chứa Betamethasone

Corticoid tác dụng tại chỗ

Đối với các vấn đề như viêm da dị ứng, hen suyễn, viêm kết mạc kích ứng, phản ứng dị ứng chỉ tập trung khi trú tại một số cơ quan nhất định, người ta thường dùng các loại Corticoid có tác dụng tại chỗ để tăng hiệu quả và hạn chế tối đa các tác dụng phụ toàn thân.

Thuốc dị ứngThuốc dị ứng tác dụng tại chỗ

Dạng thuốc – đường dùng Hoạt chất Chỉ định – Lưu ý Chế phẩm
Thuốc xịt mũi Fluticasone, Mometasone, Budesonide,.. Dùng cho các triệu chứng dị ứng của viêm mũi dị ứng, giúp đỡ nghẹt mũi, hắt hơi và ngứa, chảy nước mũi.

Sử dụng lâu dài có thể gây kích ứng niêm mạc mũi, chảy máu cam, lạm dụng nhiều, thuốc vẫn có thể đi vào tuần hoàn và gây tác dụng phụ toàn thân.

Flixonase của GSK chứa Fluticasone propionate 0,05% có giá 300.000 đồng / lọ 60 liều

Benita của Công ty cổ phần tập đoàn Merap chứa Budesonide có giá 110.00 đồng / lọ 120 liều xịt.

Đặt hàng

Thuốc hít Fluticasone, Budesonid, Beclomethason,… Dạng hít thường được dùng cho các đối tượng mắc hen suyễn.

Lưu ý cần súc miệng sau khi sử dụng nếu không có thể gặp tình trạng bội nhiễm vi khuẩn, nấm ở họng.

Seretide Evohaler 25/250 có giá 325.000 đồng cho 1 bình xịt 120 liều chứa Salmeterol xinafoate và Fluticasone propionate. Thuốc được sản xuất bởi GSK.

Đặt hàng

Symbicort Turbuhaler 120 Doses của Astra Zeneca chứa Budesonide và Formoterol có giá 600.000 đồng / lọ.

Thuốc nhỏ mắt Dexamethason, Fluorometholone,… Thuốc được chỉ định cho các trường hợp viêm kết mạc dị ứng, viêm sau khi phẫu thuật, viêm củng mạc mắt, viêm mống mắt, bờ mi bị viêm, viêm màng mạch nho, giác mạc-kết mạc bị viêm nhiễm,… Flumetholon 0.1% của Santen – Nhật Bản có giá 48.000 đồng / lọ 5ml.

FML Liquifilm 0.1% 5ml của Ireland có giá 55.000 đồng / lọ, thuốc chứa Fluorometholone.

Kem bôi da Hydrocortison, Triamcinolon, Betamethasone,.. Sử dụng cho các trường hợp viêm da cơ địa, viêm da dị ứng, viêm da tiếp xúc, mề đay, mẩn ngứa, ngứa do côn trùng cắn.

Lạm dụng thuốc có thể khiến thuốc thấm qua da, vào vòng tuần hoàn, tạo ra các tác dụng phụ toàn thân.

Thuốc bôi dị ứng mẩn ngứa thông dụng là Gentrisone có xuất xứ Hàn Quốc, có giá 20.000 đồng / tuýp 10g và 25.000 đông / tuýp 20g.

Fucidin H 15g là sự kết hợp giữa Hydrocortisone và kháng sinh Acid Fucidic, có giá 110.000 đồng / tuýp 15g. Thuốc được sản xuất bởi Invida (Singapore) Private Limited – Ireland.

Đặt hàng

Thuốc tác động lên hệ Adrenergic – Adrenalin

Adrenalin (Epinephrine) làm giãn cơ trơn phế quản nhờ kích thích thụ thể beta1 và gây co các tiểu động mạch phế quản nhờ kích thích thụ thể alpha khi dùng đường tiêm hoặc đường hít. Trên bệnh nhân bị co thắt phế quản, thuốc có tác dụng làm giãn phế quản, giảm tắc nghẽn, phù nề và làm tăng dung tích sống. Epinephrine ức chế giải phóng histamin và đối kháng tác dụng của histamin, do đó thuốc có thể làm đảo ngược tác dụng co thắt phế quản, giãn mạch và phù nề do histamin.

Chỉ định: Chỉ định kinh điển của Adrenaline là sử dụng trong cấp cứu sốc phản vệ. Thuốc được dùng cho các phản ứng dị ứng cấp tính ở người lớn và trẻ em bao gồm phản vệ do côn trùng đốt, thực phẩm, thuốc, hóa chất dùng trong chẩn đoán, các chất gây dị ứng khác hoặc các trường hợp vô căn

Liều dùng: Ưu tiên dùng epinephrin đường tiêm bắp hơn tiêm dưới da trong điều trị phản ứng phản vệ khi có sốc, khả năng thuốc được hấp thu và đạt nồng độ đỉnh sau khi tiêm dưới da chậm hơn đường tiêm bắp.

  • Người lớn: liều tiêm bắp là 0,5 – 1 mg (0,5 – 1 ml dung dịch 1 : 1 000), lặp lại sau 3 – 5 phút nếu cần.
  • Trẻ em: khuyến cáo liều tiêm bắp cho trẻ có cân nặng > 30 kg là 0,5 mg (0,5 ml dung dịch 1 : 1.000); trẻ khoảng 20 kg là 0,3 mg (0,3 ml dung dịch 1 : 1 000); trẻ khoảng 10 kg là 0,25 mg (0,25 ml dung dịch 1 : 1 000); trẻ sơ sinh hoặc trẻ < 10 kg là 0,2 mg (0,2 ml dung dịch 1 : 1.000); lặp lại sau 3 – 5 phút nếu cần.

Chế phẩm: Adrenalin 1mg/1ml Vinphaco dùng đường tiêm có giá 50.000 đồng / hộp 10 ống. Thuốc được sản xuất tại Việt Nam.

Thuốc dị ứngThuốc chứa Adrenalin dùng trong sốc phản vệ

Thuốc ổn định dưỡng bào – Natri Cromolyn

Cromolyn Natri là một chất ổn định tế bào Mast, ức chế sự giải phóng các chất trung gian gây viêm, gây ra bởi các kháng nguyên cụ thể cũng như các cơ chế không đặc hiệu, chẳng hạn như tập thể dục, từ tế bào mast. Cromolyn cũng có thể ức chế hoạt động của các loại tế bào khác gây viêm. Đây là thuốc chống hen suyễn duy nhất ngăn chặn cả phản ứng hen sớm và muộn do hít phải chất gây dị ứng. Do đó, liệu pháp cromolyn có thể ngăn chặn sự gia tăng phản ứng quá mức của phế quản do tiếp xúc với chất gây dị ứng mãn tính. Chất này ít gây các tác dụng không mong muốn hơn so với Steroid và là một thuốc triển vọng để người dùng có thể giảm liều dần Corticoid.

Chỉ định: FDA đã chấp thuận các chỉ định sau của thuốc: dự phòng hen phế quản nhẹ đến trung bình và điều trị bổ trợ viêm mũi dị ứng và bệnh tế bào mast toàn thân (bệnh tế bào mast) ở bệnh nhi và người lớn. Dung dịch uống Cromolyn Natri (đậm đặc) được sử dụng để cải thiện các triệu chứng tiêu chảy, đỏ bừng mặt, nhức đầu, nôn mửa, nổi mề đay, đau bụng, buồn nôn và ngứa ở một số bệnh nhân. Thuốc xịt Natri Cromolyn được sử dụng để ngăn ngừa và làm giảm các triệu chứng ở mũi do các dị ứng mũi như sổ mũi hoặc ngứa mũi, hắt hơi và nghẹt mũi dị ứng.

Liều dùng: Liều dùng khuyến cáo của thuốc dành cho trẻ em > 12 tuổi và người lớn: 200 mg uống 4 lần/ngày; 30 phút trước bữa ăn. Có thể tăng lên 40 mg/kg/ngày nếu không kiểm soát được các triệu chứng trong vòng 2 đến 3 tuần. Trẻ từ 2 – 12 tuổi có thể dùng 100mg/lần đường uống bốn lần mỗi ngày; không vượt quá 40 mg/kg/ngày.

Xem thêm:   Tổng quan về các corticoid sử dụng trong nhãn khoa

Chế phẩm: Hiện chưa có chế phẩm chứa hoạt chất này tại thị trường Việt Nam.

Thuốc kháng Leukotriene – Montelukast

Đây là thuốc duy nhất thuộc nhóm thuốc đối kháng Leukotriene được phê duyệt trong điều trị hen và các phản ứng dị ứng. Montelukast là hoạt chất thuộc nhóm đối kháng với leukotriene, gây ức chế thụ thể cysteinyl leukotriene (receptor CysLT). Montelukast ức chế hoạt động của LTD4, làm giảm co thắt phế quản. Montelukast cũng làm giảm đáng kể lượng bạch cầu ái toan trong đường thở và trong máu ngoại vi, đồng thời cải thiện hiệu quả kiểm soát hen trên lâm sàng.

Chỉ định: Montelukast có tác dụng đối kháng với leukotriene làm giảm co thắt phế quản, giảm bài tiết chất nhầy, giảm tính thấm thành mạch và ngăn cản việc huy động bạch cầu ái toan nên được chỉ định sử dụng cho những người mắc viêm mũi dị ứng theo mùa.

Liều dùng:

  • Người lớn và thanh thiếu niên (trên 15 tuổi): 1 viên Montelukast 10mg mỗi ngày, vào buổi tối.
  • Trẻ em từ 6 đến 14 tuổi: 1 viên Montelukast 5mg/ ngày
  • Trẻ em từ 2 đến 5 tuổi: 1 viên Montelukast 4mg/ ngày
  • Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi: 4mg thuốc cốm/ ngày.

Chế phẩm: Chế phẩm chứa montelukast nổi tiếng trên thị trường chính là Singulair do Công ty Merck Sharp & Dohme (Asia) Ltd. sản xuất. Sản phẩm có giá 495.000 đồng / hộp 28 viên với Singulair 5mg; 450.000 đồng / hộp 28 gói Singulair 4mg dạng bột cốm, 450.000 đồng / hộp 28 viên Singulair 10mg.

Thuốc dị ứngThuốc Singulair chứa Montelukast dùng trong hen suyễn dị ứng

Thuốc kháng IgE – Omalizumab

Omalizumab là kháng thể đơn dòng tái tổ hợp, liên kết chọn lọc với IgE tự do (không gắn với thụ thể). Omalizumab ngăn chặn các phản ứng cấp tính và phản ứng muộn qua trung gian IgE do hít hoặc nuốt phải các chất dị ứng.

Chỉ định: FDA đã chấp thuận chỉ định dùng Omalizumab cho các trường hợp hen suyễn dị ứng và mày đay tự phát mãn tính.

Liều dùng: Liều dùng thuốc Xolair điều trị hen phế quản dị ứng: liều khuyến cáo là 150-300mg (1-2 lọ Xolair) tiêm dưới da cách mỗi 4 tuần hoặc 225-375mg tiêm dưới da cách mỗi 2 tuần. Tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm nồng độ IgE trước khi điều trị và cân nặng của bệnh nhân.

Điều trị mày đay vô căn mạn tính: liều khuyến cáo là 150-300mg (1-2 lọ Xolair) tiêm dưới da mỗi 4 tuần.

Biệt dược: Xolair là biệt dược của công ty Novartis sản xuất có giá hơn 6.000.000 đông / lọ thuốc tiêm

Thuốc dị ứngThuốc dị ứng chứa Omalizumab kháng IgE

Tư vấn của dược sĩ về các câu hỏi thường gặp

Các loại thuốc chống dị ứng không gây buồn ngủ là thuốc nào

Như bài viết đã đề cập ở trên, có duy nhất nhóm thuốc dị ứng kháng Histamin H1 thế hệ 1 gây buồn ngủ, ngoài ra đa phần các nhóm thuốc còn lại như Loratadin, Fexofenadin, các Corticoid,… đều là thuốc chống dị ứng không gây buồn ngủ. Các thuốc kháng Histamin H1 thế hệ thường được sử dụng điều trị viêm mũi dị ứng, dị ứng mày đay, mẩn ngứa, hỗ trợ điều trị cảm cúm là: Clorpheniramin, Alimemazin, Diphenhydramin,… Các chất này thường có trong các chế phẩm như Decolgen Forte, Tiffy cảm cúm, Theralene,… Người tiêu dùng khi mua thuốc có thể tránh các thuốc này ra nếu cần làm những công việc tập trung hoặc tránh uống thuốc trước khi bắt đầu công việc. Người dùng cũng có thể thông báo với bác sĩ, dược sĩ về việc không muốn sử dụng những thuốc gây buồn ngủ.

Khi nào thì biết mình bị dị ứng?

Dị ứng có thể do nhiều nguyên nhân, các triệu chứng của phản ứng dị ứng cũng rất đa dạng. Viêm mũi dị ứng: Triệu chứng của viêm mũi dị ứng thiên về cảm giác gây khó chịu mũi nhiều hơn, người bệnh có thể gặp phải tình trạng hắt hơi liên tục vài chục cái, cay mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt, mũi chảy nước đầm đìa, nước mũi trong như nước lã, nếu để lâu có thể gây ảnh hưởng tới niêm mạc mũi, bội nhiễm vi khuẩn.

Dị ứng thức ăn: Triệu chứng điển hình của dị ứng thức ăn thường là mày đay, mẩn ngứa, đau bụng, râm ran khó chịu, nếu trường hợp nghiêm trọng có thể cảm thấy khó thở, khò khè, chóng mặt, hạ huyết áp,.. lúc này cần cấp cứu kịp thời nếu không người bệnh có thể biến chuyển sang sốc phản vệ và tử vong.

Dị ứng thuốc: phản ứng điển hình của dị ứng thuốc cũng là nổi mày đay, ban đỏ, mức độ nặng hơn có thể gặp phù Quincke, hội chứng Steven – Johnson, hội chứng Lyell. Lúc này cần ngưng ngay các thuốc đang dùng và chuyển sang dùng thuốc chống dị ứng.

Nên lựa chọn thuốc dị ứng như thế nào?

Người tiêu dùng thường đặt ra các câu hỏi rằng nên lựa chọn thuốc dị ứng thế nào để phù hợp với tình trạng dị ứng của mình. Nguyên tắc khi điều trị dị ứng là lựa chọn thuốc theo mức độ dị ứng, không lựa chọn theo nguyên nhân gây bệnh. Có thể hiểu nghĩa là dù cho bạn bị dị ứng thời tiết, dị ứng đồ ăn hay dị ứng thuốc thì điều bác sĩ căn cứ vào là mức độ nặng nhẹ của tình trạng dị ứng bạn đang gặp phải.

  • Đối với các trường hợp dị ứng rượu, dị ứng thời tiết, bị dị ứng thuốc mẩn đỏ,… ở mức độ nhẹ (ban da, mẩn ngứa, hô hấp vẫn bình thường): Trong trường hợp này, người bệnh có thể uống các loại thuốc kháng Histamin H1 như Cetirizin, Loratadin, Alimemazin,…
  • Đối với các trường hợp dị ứng thời tiết dai dẳng kéo dài, dị ứng đồ ăn, thuốc ở mức độ trung bình: Trong trường hợp này có thể sử dụng các Corticoid tác dụng kéo dài như Dexamethason, Methylprednisolon,… kết hợp cùng với các thuốc điều trị triệu chứng khác. Với trường hợp viêm mũi dị ứng, hen suyễn thì dùng Corticoid dạng hít, xịt mũi; đường uống dành cho các trường hợp dị ứng, mẩn ngứa toàn thân.
  • Dị ứng rượu mức độ trung bình đến nặng, dị ứng thuốc, đồ ăn mức độ nặng, có dấu hiệu của suy hô hấp, sốc phản vệ: Với trường hợp nguy cấp thế này, thuốc đầu tay được sử dụng cấp cứu là Adrenalin (Ephedrin) đường tiêm bắp, nếu không có thì có thể sử dụng Methylprednisolon đường tiêm. Nguyên tắc khi sử dụng thuốc cho trường hợp nặng và sốc phản vệ là dùng thuốc càng sớm càng tốt, càng nhanh càng hạn chế được các biến chứng nặng hơn, người bệnh càng có cơ hội phục hồi nhanh hơn.
  • Tình trạng dị ứng thời tiết gây viêm mũi dị ứng có co thắt khí phế quản: Trong trường hợp này, người bệnh cũng có thể được kê đơn một số thuốc như Montelukast, thuốc kháng Histamin dùng đường uống, kết hợp với xịt mũi, ống hít chứa thuốc Corticoid,…

Cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc chống dị ứng

Trong các thuốc dị ứng đã được nêu ra ở trên, chỉ có thuốc dị ứng kháng Histamin H1 là người bệnh có thể mua thuốc không cần đơn. Do các tác dụng phụ của thuốc kháng Histamin không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý tuân thủ liều lượng và chỉ dẫn của dược sĩ chuyên môn.

Corticoid là thuốc có tác dụng chống dị ứng nhanh, mạnh nên nhiều người rất thích sử dụng vì cắt được triệu chứng khó chịu ngay. Nhưng cần lưu ý rằng tác dụng phụ của Corticoid rất nghiêm trọng, nhất là đối với trẻ nhỏ ( thuốc có thể khiến trẻ chậm lớn, còi xương) vậy nên không tự ý sử dụng Corticoid một cách bừa bãi.

Không tự ý sử dụng nhiều thuốc chống dị ứng có cùng cơ chế, điều này không hề làm tăng tác dụng của thuốc mà còn làm tăng tác dụng phụ không mong muốn và gây thêm gánh nặng cho gan.

Thuốc chống dị ứng chỉ tác động được đến quá trình gây dị ứng, không tác động đến nguyên nhân gây dị ứng. Người bệnh muốn có thể không tái phát dị ứng thì cần tránh tiếp xúc với dị nguyên. Ví dụ như không ăn các đồ ăn khiến bản thân bị dị ứng (một số thực phẩm dễ gây dị ứng như tôm, cua, hải sản, lạc, sữa,..), bị dị ứng phấn hoa, bụi, lông động vật thì cần hạn chế để dị nguyên xuất hiện trong không gian sống,…

Thuốc dị ứngLưu ý khi dùng thuốc dị ứng

Tài liệu tham khảo

  1. Tác giả S Murphy, H W Kelly (Thời gian phát hành tháng 1 năm 1987). Cromolyn sodium: a review of mechanisms and clinical use in asthma, Pubmed. Thời gian truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/3102198/
  2. Tác giả Martin K Church, Marcus Maurer(Thời gian phát hành năm 2014). Antihistamines, Pubmed. Thời gian truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24925410/
  3. Tác giả H Mosbech (Thời gian phát hành ngày 5 tháng 8 năm 1996). [Adrenaline in anaphylaxis], Pubmed. Thời gian truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/8759380/
  4. Bộ Y Tế, Vụ Khoa học & Đào tạo. Quá mẫn, Sinh lý bệnh và miễn dịch – Phần Miễn dịch học (trang 104-118). Thời gian truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2023.

Nguồn: ÔNG CHÚ SÌN SÚ
Chuyên mục: Y tế, sức khỏe

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x